Ðảo Tuần Châu, Quảng Ninh là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Hoa hậu Việt Nam (HHVN) trong đó có 2 đêm chung kết vào loại hoành tráng nhất vào năm 2004 và 2010. Hơn cả một nhà tài trợ, “chúa đảo” Ðào Hồng Tuyển luôn tạo những điều kiện tối ưu cho cuộc thi, thậm chí có khi Ban tổ chức (BTC) chưa yêu cầu đã được đáp ứng.
Lý giải về sự nhiệt tình hiếm có này, ông Dương Xuân Nam – nguyên Tổng biên tập (TBT) báo Tiền Phong nói: “Ông Đào Hồng Tuyển là doanh nhân nhiều năm công tác ở T.Ư Đoàn (điều hành một xí nghiệp trực thuộc), là người yêu cái đẹp, am hiểu về văn hóa. Từng là người lính trên chuyến tàu không số đi vào Nam, trải qua chiến tranh gian khổ nên rất hiểu những gì cần thiết để tôn vinh cái đẹp. Tôi thực sự rất yêu mến Đào Hồng Tuyển vì ông tạo mọi điều kiện cho HHVN tổ chức thành công tốt đẹp, luôn sát cánh cùng BTC và bản thân tôi trong cuộc thi năm 2004 và sau đó”.
Năm 2004 đánh dấu sự chuyển mình trong công tác tổ chức của HHVN. Lần đầu tiên tổ chức ngoài trời, lại truyền hình trực tiếp, BTC có phần lo lắng. “Ông Đào Hồng Tuyển chia sẻ mối lo này bằng việc đi thắp hương ở đền thờ Bác và những nơi linh thiêng khác”- ông Dương Xuân Nam nhớ lại. “Nhiều khi ông Tuyển thức cùng tôi đến 1-2h sáng để giải quyết những vấn đề rất cấp thiết cho đêm chung kết”. Kết quả, theo thông tin viện Điều tra Dư luận của ban Tuyên giáo T.Ư cung cấp cho nhà thơ Dương Xuân Nam: Đêm chung kết HHVN 2004 là sự kiện có lượng người Việt theo dõi qua truyền hình lớn chưa từng có, lên tới 24 triệu.
Bà Phạm Ngân Hà – Tổng Giám đốc Công ty Tiền Phong, nhiều năm phụ trách hậu cần cho HHVN, mô tả độ nhiệt tình của đối tác Tuần Châu: “BTC cần gì đều được đáp ứng, từ những thứ phát sinh nhỏ nhất. Tuần Châu luôn là nơi ưu tiên mỗi khi HHVN tổ chức ở phía Bắc không chỉ vì cảnh quan hay hạ tầng mà còn bởi vì có “ông chủ” quá nhiệt tình”. Nhiều người nói vui Tuần Châu là “đảo Hoa hậu”. Ngoài hai lần đăng cai chung kết toàn quốc HHVN, đây còn là nơi 2 lần diễn ra chung khảo HHVN phía Bắc. Và là nơi không thể phù hợp hơn để tổ chức Gala kỷ niệm 30 năm HHVN vào tối 18/8/2018. Đêm nghệ thuật tôn vinh nhan sắc này sẽ được tường thuật trực tiếp trên VTV6, VTV9 và 14 đài địa phương. Tất cả các Hoa hậu Việt Nam đều có mặt tại buổi lễ đặc biệt này, trừ Phan Thu Ngân vì lý do riêng không thể tham dự.
Tuần Châu cũng là địa điểm hằng năm tổ chức cuộc thi Người đẹp Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh tới nay đã là lần thứ 22. Và kể từ năm nay giải Bóng chuyền Bãi biển Tuần Châu chính thức trở thành giải đấu nằm trong World Tour của Liên đoàn Bóng chuyền bãi biển thế giới. Người đẹp Thể thao – phần thi chính thức đầu tiên của vòng chung kết toàn quốc HHVN 2018 cũng diễn ra tại đây.
Một câu chuyện thể hiện sự hào sảng, “chơi đẹp” với cái đẹp của doanh nhân Đào Hồng Tuyển nhiều người vẫn nhắc. Ngay trong buổi sáng sau đêm chung kết HHVN 2004, ông Tuyển đã ra quyết định “thưởng” cho 10 thí sinh không có giải gì trong cuộc thi khoảng nửa tiếng bay vòng quanh vịnh Hạ Long bằng trực thăng. Theo tư duy thông thường thì mời top 10 tham gia chuyến bay này chắc chắn sẽ có hiệu ứng truyền thông tốt hơn, nhưng ông cho rằng những người đẹp kia đã có giải rồi nên thôi, nhường cho các bạn kém may mắn hơn.
Hồi đó tất nhiên chưa có fly-cam nên cánh phóng viên cũng được ké cẩm để có những hình ảnh đắt giá về di sản thiên nhiên thế giới từ trên cao. Một quyết định chớp nhoáng nữa cũng khiến “chúa đảo” mất tiền tỷ để lo cho đêm chung kết 2004 một hệ thống âm thanh ánh sáng xứng tầm. Trước mỗi dịp Hoa hậu diễn ra trên đảo, ông Tuyển đều cho nâng cấp cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho cuộc thi. Đảo Tuần Châu đồng thời đánh dấu lần đầu tiên HHVN tổ chức ở một địa phương không phải Hà Nội hay TPHCM. Năm 2004, một số lãnh đạo báo Tiền Phong ban đầu không tin có thể tổ chức được một kỳ có nhiều cái đầu tiên “động trời” như thế. Thời gian đó, hạ tầng trên đảo cũng vừa được xây dựng xong. Chính nhiệt huyết và sự quyết tâm của ông Tuyển đã thuyết phục mọi người.
Nhưng cũng phải nói, HHVN về mặt nào đó cũng góp phần hút khách cho Tuần Châu. Hai lần nơi đây đăng cai chung kết HHVN đều diễn ra cảnh tắc đường. Chính con đường độc đạo 2,5km này đã biến Tuần Châu từ một hòn đảo thuyền chài thành trung tâm du lịch quốc tế, cửa ngõ ra vịnh Hạ Long. Cho đến nay ở phía Bắc, ngoài Hà Nội, Tuần Châu vẫn là địa điểm lý tưởng nhất với đầy đủ hạ tầng phục vụ lưu trú, tập luyện và trình diễn để tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc gia như Hoa hậu Việt Nam.
“Tuần Châu là địa điểm thi Hoa hậu đẹp. Ðặc biệt doanh nhân Ðào Hồng Tuyển hết lòng vì cuộc thi. Ông đã tạo điều kiện tốt nhất cho cuộc thi 2004 và nhiều cuộc khác sau đó. Không những tạo mọi điều kiện cho thí sinh, giám khảo, quan khách ăn ở mà lần đầu tiên thuê máy bay lên thẳng cho kíp quay phim chở thí sinh và giám khảo đi tham quan vịnh Hạ Long. Hoa hậu Việt Nam có duyên với Tuần Châu và Ðào Hồng Tuyển”. Ông Dương Xuân Nam – nguyên TBT báo Tiền Phong–Người góp phần làm nên thành công cho hai kỳ Hoa hậu Việt Nam
Thành viên BTC Hoa hậu Việt Nam 2004 và 2010 vẫn giữ nguyên những ấn tượng tốt đẹp về doanh nhân nổi tiếng Ðào Hồng Tuyển- người đóng vai trò quan trọng trong thành công ấn tượng của hai vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam.
Năm 2004, cuộc thi HHVN có hai dấu mốc lớn. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên tổ chức ở sân khấu ngoài trời. Thứ hai, bắt đầu từ đây, chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV. Cuộc thi được sự ủng hộ rất lớn của anh Ðào Hồng Tuyển “chúa đảo”. Nhờ sự kết nối của anh Tuyển, năm 2004, cuộc thi HHVN được cả lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Sở VHTT&DL, Sở Ðiện lực giúp đỡ. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo giúp đỡ toàn bộ phần bảo vệ và cho đưa máy phát điện lên đảo để phòng xa.
Ðến gần chung kết, khi ráp sân khấu, đạo diễn phát hiện ra phần âm thanh ánh sáng của cung nhạc nước (sân khấu chính của đêm chung kết) không đảm bảo. Khi biết chuyện này, anh Tuyển đã hỏi: “Như vậy, phải làm thế nào thì âm thanh ánh sáng mới đủ chuẩn?”. Ðạo diễn đề cử mời ê-kíp của Dũng Martin trong Sài Gòn, anh Tuyển ủng hộ kinh phí ngay. Gần như chỉ trước hôm tổng duyệt một hai ngày, hai xe ô tô chở thiết bị của đội ngũ Dũng Martin đã có mặt ở Tuần Châu, đảm bảo phần kỹ thuật tốt nhất cho đêm chung kết.
Sân khấu nhạc nước cũng phải tu bổ rất nhiều, đích thân anh Tuyển có mặt ở hiện trường làm tổng chỉ huy. Nguyên vật liệu, nhân công được điều từ công ty Tuần Châu sang. Trong quá trình tổ chức, anh Tuyển còn kiêm luôn việc là lái xe tuk-tuk chở thí sinh từ nơi ở sang nhà ăn, đến phòng tập. Hầu như không ai biết người lái xe tuk-tuk dễ tính khi đó chính là vị “chúa đảo” nổi tiếng.
Nếu không có anh Tuyển thì cuộc thi HHVN 2004 và 2010 đã không thành công được như thế. Có vướng mắc gì anh trực tiếp giải quyết hết. Sát đêm chung kết, tổng đạo diễn Lại Văn Sâm ước ao có những cảnh quay trên cao, anh Tuyển dứt khoát thuê cả trực thăng để quay
Theo Báo Tiền Phong